sức khỏe

Lời chúc THÂN KHỎE – TÂM AN – TRÍ HUỆ SÁNG từ Bác Hùng Sống Lành!

Bác ơi, cháu thấy cạnh nhà cháu có chị này chăm chỉ tập luyện lắm. Sáng cứ 4h là dậy tập thể dục. Ăn uống thì rất chi là cẩn thận, nào là hạn chế cái này cái này, nào là ăn đồ rau củ sạch, hữu cơ, uống nước kiếm, vân vân. Ấy thế mà rồi chị ấy đi kiểm tra mà lại bị K Giáp bác ạ. Cháu hoang mang quá, không biết phải làm thế nào để giữ gìn sức khỏe nữa.

—————–

Chị nhắn điều này, tôi thiết nghĩ cũng là sự hoang mang và thắc mắc chung của nhiều người, nên viết 1 bài chia sẻ trên đây.

Câu nói “có sức khỏe là có tất cả” nhiều người biết, nhưng cũng nhiều người không đồng ý. Bởi xung quanh, rất nhiều người khỏe mạnh, nhưng lại lười nhác, không chịu làm lụng, chỉ tính chơi bời, nên mãi chẳng có được thứ gì đáng kể.

2 câu chuyện này tưởng chừng không liên quan, nhưng thực sự nó rất liên hệ với nhau. Vấn đề nằm ở định nghĩa về sự khỏe mạnh, về sức khỏe là gì?

Nói đến sức khỏe, thường mọi người chỉ nghĩ tới sức khỏe thể chất, tức là thân khỏe. Trong khi, thân thể chỉ là 1 cấu phần của con người, dù nó quan trọng, là nên tảng, nhưng lại không phải là tất cả.

Con người, theo định nghĩa Đông Y nói chung, gồm 3 tầng: THÂN – nền tảng, TÂM – trung gian và TRÍ – thượng tầng.

1. Thân khỏe

Thân là cái nền móng. Thân thể có khỏe mạnh, thì mọi hoạt động mới được diễn ra ổn định. Thân cường bệnh nhược, tức là thân thể khỏe mạnh thì các loại đau bệnh sẽ tự khắc lui. Đây là chính nguyên lý cơ bản của dưỡng sinh.

Dưỡng sinh chính là nuôi dưỡng sự sống, chứ không phải là đấu tranh với bệnh tật. Để đến khi bệnh tật rồi mới chữa thì là hạ sách. Tốt nhất vẫn là chăm sóc, điều hòa, nuôi dưỡng sự cân bằng của từng cơ quan và của tổng hòa toàn cơ thể.

Dưỡng sinh tập trung vào 2 yếu tố:

– Dinh dưỡng cân bằng

– Hít thở sâu

Về dinh dưỡng tôi đã chia sẻ nhiều, rằng mỗi người 1 cơ địa, không bao giờ có 1 chế độ ăn nào là phù hợp cho tất cả. Nhưng tổng quát lại thì vẫn sẽ là các thực phẩm theo mùa, thực phẩm đa dạng, từ động vật cho tới thực vật. Tiếp đó là chế biến càng thô càng tốt, phù hợp với từng loại thực phẩm, vừa giữ được hương vị và dinh dưỡng cho thực phẩm.

Nếu có điều kiện thì bổ sung thêm các thảo dược, các loại thực phẩm dưỡng sinh, với hàm lượng dinh dưỡng cao và tinh túy hơn.

Đặc biệt phải lưu ý cách ăn: ăn chậm, nhai kĩ, ăn trong tâm thái thư giãn, ăn vừa đủ no, đáng ăn 10 phần thì chỉ nên ăn 7 mà thôi.

Với hít thở, thì quan trọng nhất hít thở sâu bằng bụng để tăng cường hấp thu khí từ thiên nhiên vào cơ thể và thải bỏ khí thải trong cơ thể ra ngoài.

Việc tập luyện thể chất cũng phải song hành với tập hít thở, phù hợp với thể chất và quan trọng nhất là đều đặn.

2. TÂM an

Tâm, là tinh thần, là cảm xúc. Tâm cần an, an ở đây là an lạc, an vui. Sự lạc quan của tinh thần là vô cùng quan trọng. Nếu tinh thần lo âu, căng thẳng, thì chẳng mấy chốc sẽ ảnh hưởng đến thân thể.

Nhiều người, nhìn bề ngoài thì khỏe mạnh thật đấy, nhưng sao mà biết được tâm của họ có an hay không.

Hoặc nhiều người ngoài miệng có thể cười nói nhiều, nhưng trong lòng ẩn chứa những suy tính, phiền muộn, cố giấu đi 1 mình.

Tâm an không có nghĩa là lúc nào cũng phải cười, phải nói. Tâm an là sự thanh thản, không dễ bị kích động, lạc quan và tích cực. Cũng sẽ có những lúc khó chịu, bực bội, những chỉ là ngắn hạn thôi. Chứ chẳng có ai mà lúc nào tâm cũng an, cũng lạc được. Chắc chỉ có thánh, có Phật thôi. Mà Thánh và Phật thì chẳng tự nhận bao giờ, những người tự xưng, tôi tin là họ có mục đích cả.

3. TRÍ huệ

Trí là sự suy nghĩ, là tư duy, là kiến thức. Tôi dùng từ trí huệ của nhà Phật, vì từ huệ rất hay, nó cao hơn từ tuệ 1 bậc.

Người có trí tuệ là người thông tin, học rộng, hiểu nhiều.

Người có trí huệ cao hơn, ngoài sự hiểu biết kiến thức, còn là sự thấu cảm, sâu sắc, lòng vị tha, từ bi.

Tại sao trí huệ lại là cao nhất?

Vì cuộc sống có nhiều thức phức tạp hơn vẻ bề ngoài của nó.

Thế nào là niềm vui? Thế nào là khổ hạnh? Thế nào là người tốt? Thế nào là việc thiện? Làm thế này là đúng hay sai? Là tốt hay xấu?

Những câu hỏi này tưởng chừng rất đơn giản, những không phải dễ dàng trả lời được. Người có trí huệ là người thấu hiểu sự vận hành của xã hội, của cuộc đời, của nhân sinh. Để tự đó có được sự tự do trong hành động, sự an lạc và thảnh thơi trong từng phút giây.

Muốn có trí huệ, phải không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức.

Có người cho rằng, cuộc sống ngắn ngủi, cứ làm điều mình vui, mình thích là được. Rồi họ bất chấp, không cần nghĩ cho người khác. Liệu như vậy có đúng?

Hoặc có người thì tin vào nhiều kiếp sống, nên kiếp này chỉ chú tâm vào việc cầu khấn, tu hành, mà chẳng thiết gì cuộc sống bên ngoài, không muốn lập gia đình, sinh con đẻ cái. Nhưng vậy có phải là điều nên làm?

Những câu hỏi đó, tôi cũng không biết.

Tôi chỉ có góc nhìn của tôi và phân tích nó. Mỗi người phải tự lựa chọn và đưa ra câu trả lời cho mình. Và câu trả lời ấy hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian. Đó mới là thuận tự nhiên.

Nhân ngày 20/10, ngày của phụ nữ, tôi có mấy lời dặn chị em:

– Cuộc đời này ngắn, chọn đúng việc để làm.

– Sự sống nhiều điều tươi đẹp, hãy biết cách tận hưởng đúng nghĩa

– Tìm cách làm tốt mới khó, buông bỏ dễ lắm. Chọn việc khó mà làm, đời sẽ nhiều thú vị.

Tản mản mấy dòng suy nghĩ. Chúc tất cả chị em mỗi ngày 1 nâng cấp bản thân mình hơn, 1 tiến gần tới sức khỏe trọn vẹn:

THÂN KHỎE – TÂM AN – TRÍ HUỆ SÁNG!

ĐỂ LẠI MỘT TRẢ LỜI

Mời bạn để lại bình luận
Nhập tên của bạn vào đây